Trong xã hội, các mối quan hệ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình luôn diễn ra đa dạng, phức tạp, với những hình thức khác nhau. Vì vậy để xây dựng và hoàn thiện chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, chậm tiến bộ trong hôn nhân gia đình là vấn đề đang được quan tâm.
Ngày 19 tháng 6 năm 2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa XIII, kỳ họp lần thứ 7 đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, thay thế Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có 9 chương, 133 Điều, so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 ít hơn 04 chương, nhưng tăng lên 23 Điều. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có nhiều quy định mới, có những sửa đổi, bổ sung như: Tăng độ tuổi kết hôn của nam và nữ; không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính; cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; qui định chế độ tài sản của vợ chồng....
Cụ thể, về điều kiện kết hôn tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự; việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Luật hiện hành) nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên là đủ tuổi kết hôn. Theo quy định này thì nam đã bước sang tuổi hai mươi, nữ đã bước sang tuổi mười tám mà kết hôn là không vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn. Tuy nhiên, với quy định điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì độ tuổi kết hôn của nam và nữ sẽ được nâng lên và được tính theo tuổi tròn, bắt buộc nam phải từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ phải từ đủ mười tám tuổi trở lên mới được kết hôn.
Một điểm mới quan trọng của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là quy định về vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Theo đó, điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại Điều 95 của Luật như sau:
Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Như vậy, vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là quy định mới của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, với quy định này đã phản ánh được thực trạng hiện nay, và đáp ứng với tình hình phát triển thực tế của các mối quan hệ trong hôn nhân và gia đình.