Ly hôn là một trong các quyền nhân thân cơ bản và quan trọng của vợ, chồng; gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác. Quyền ly hôn được quy định tại Điều 42 Bộ luật dân sự 2005: “Vợ, chồng hoặc cả 2 người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn” và khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn”. Tuy nhiên, khi vợ (hoặc chồng) bị mất năng lực hành vi dân sự thì theo quy định tại khoản 4 Điều 57 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004: “Đương sự là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Toà án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện”. Mà người giám hộ là người đại diện theo pháp luật của người được giám hộ theo quy định tại điểm 2 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2005. Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Bộ luật Dân sự 2005 thì: “Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ”. Do đó, mặc dù vợ hoặc chồng với tư cách là người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự có thể được coi là người đại diện theo pháp luật trong một số trường hợp, nhưng lại không thể đại diện để quyết định thay cho người vợ hoặc chồng đang bị mất năng lực hành vi dân sự đồng ý hay không đồng ý việc ly hôn.
Do vậy, chính điều này đã dẫn tới thực trạng có rất nhiều trường hợp vợ hoặc chồng muốn ly hôn nhưng Tòa án không thể tiến hành giải quyết được, có nhiều vụ việc kéo dài trong rất nhiều năm với nguyên nhân duy nhất là do người vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự. Thiết nghĩ trong những trường hợp này các nhà lập pháp cần đưa ra những giải pháp không chỉ bảo đảm những quyền và lợi cíh hợp pháp của người vợ hoặc chồng đang bị mất năng lực hành vi mà còn đảm bảo quyền mưu cầu hạnh phúc của người muốn đơn phương xin ly hôn trong trường hợp này. Cụ thể, như việc Tòa án vẫn có thể quyết định cho vợ hoặc chồng đơn phương ly hôn nếu xét thấy cuộc sống của vợ hoặc chồng sau khi ly hôn (người mất năng lực hành vi dân sự) vẫn có sự đảm bảo về mặt sức khỏe, tinh thần, và tùy từng trường hợp mà có thể quyết định người xin ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người kia trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này đã được Luật HN&GĐ năm 2000 quy định tại Điều 60 về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn.
Đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như góp phần hoàn thiện các quy định của Bộ luật dân sự 2005, Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011), hy vọng trong thời gian tới các nhà lập pháp sẽ có những giải pháp phù hợp, cụ thể để điều chỉnh vấn đề này.